Am-nôn, Ta-ma, Và Áp-sa-lôn

Notes
Transcript
Sermon Tone Analysis
A
D
F
J
S
Emotion
A
C
T
Language
O
C
E
A
E
Social
View more →
2 Samuên 13
Gia-cơ dạy rằng, “Nhưng mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết.” Điều này cho thấy mỗi người điều có sự lựa chọn cho mình khi đứng trước tội lỗi. Điều nguy hiểm là chúng ta có khuynh hướng đánh giá thấp sự cám dỗ. Lúc bắt đầu từ trong tư tưởng nó xuất hiện gần như vô hại. Nhưng khi cưu mang và nuôi dưỡng nó, nó sẽ giết chết chính người cưu mang nó.
Hôm nay chúng ta cùng xem xét câu chuyện về Am-nôn, Ta-ma, và Áp-sa-lôn khi họ đối diện với cám dỗ như thế nào. Một câu chuyện về loạn luân, giết người, và hận thù.
Trong bài học này cũng dấy lên nhiều câu hỏi về chuyện ngoại tình của Đa-vít. Liệu việc Am-nôn đi đến con đường gian tà là vì Đa-vít, hay do Đức Chúa Trời đưa đẫy, hay do chính bản thân Am-nôn? Việc nhận biết cái sai của người khác giúp chúng ta có thể rút ra bài học cá nhân của mình để không đi vào vết xe đổ của người khác.

Am-nôn

Am-nôn là con trưởng nam của Đa-vít. “Trong khi ở tại Hếp-rôn, Ða-vít sanh nhiều con trai. Con trưởng nam là Am-nôn, do A-hi-nô-am ở Gít-rê-ên;” 2 Sa-mu-ên 3:2.
Kinh Thánh mô tả Am-nôn yêu Ta-ma đến mức độ sinh bệnh (2). Tình yêu này không phải là một tình yêu bình thương theo nghĩa công bình và thanh sạch. Nó là tình dục hay sự tham dục thì đúng hơn là tình yêu vì:
“... vì nàng là đồng trinh, lấy làm khó cho Am-nôn được chi với nàng.” Nếu một tình yêu bình thường thì vì sao lại mong muốn có gì đó hay “được chi” với Ta-ma.
Về sau khi đã hãm hiếp Ta-ma rồi thì Am-nôn không dành một chút gì gọi là tình yêu cho Ta-ma mà chỉ có sự gớm ghét nàng.
Như vậy Am-nôn đã xem nét đẹp của Ta-ma với lòng tham dục. Ông cưu mang tư tưởng chiếm hữu nàng hay nhan sắc của nàng bằng cách không công bình. Do đó khi đối mặt với sự cảm dỗ Am-nôn đã đắm chìm vào những tư tưởng gian ác và bại hoại thay vì loại bỏ chúng từ trong tâm trí và lòng của mình.
Am-nôn đương khi cưu mang tư tưởng dâm dục về Ta-ma. Thì ông chưa sinh ra hành động vì ông không có kế sách nào để hiện thực hóa lòng tham dục của mình. Ông tìm kiếm một cơ hội hay một kế hoạch. Điều này khiến ông phát bịnh vì cớ tình dục ung đốt (1 Cor 7:2, 9).
Điều này cho thấy Am-nôn đã “xem” Ta-ma không còn là một con người do chính Đức Chúa Trời tạo nên theo ảnh tưởng của Ngài. Ông xem nàng không khác gì là đồ vật, đối tượng, hay một “thứ” gì đó chỉ để thỏa mãn sự dâm dục của mình mà thôi. Ông đã cứng lòng về lời Đức Chúa Trời phán về mối quan hệ loạn luân.
17Nếu một người nam lấy chị em gái mình, hoặc một cha khác mẹ, hoặc một mẹ khác cha, và họ cấu hiệp nhau; ấy là sự điếm nhục; họ sẽ bị truất khỏi trước mặt dân sự mình; người đã gây nhục cho chị em mình; người sẽ mang tội ác mình. Lê-vi-ký 20:17
Truất khỏi dân sự là hình phạt rất nặng nề. Vì nó đánh dấu việc rời khỏi giao ước của Đức Chúa Trời với người đó. Vì vậy Đức Chúa Trời sẽ không còn là Đức Chúa Trời của người đó nữa. Nhưng vì một đời sống không coi trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nên Am-nôn không để tâm vào hậu qua kinh khiếp của việc bị loại khỏi mối quan hệ của Đức Chúa Trời là như thế nào.
Do đó hành động phạm tội của Am-nôn là một hành động tự chủ. Ông đã gài bẫy hay lợi dụng lòng tốt của Ta-ma. Ông có các cơ hội để được thức tỉnh từ lời khuyên của Ta-ma nhưng ông vẫn để ngoài tai để trở nên cứng lòng trong tội lỗi.
Sau khi đã dùng bạo lực để cưỡng bức Ta-ma. Ông lại tiếp tục phạm tội khi không hề muốn hàn gắn hay giải quyết hậu quả của mình theo cách công bình. Ông vì lòng ghen ghét Ta-ma đến đỗi gớm ghét nàng mà đuổi nàng đi. Khả năng của hành động ghen ghét là vì sự nhận ra cảm giác tội lỗi. Khi không muốn nhận mình là có lỗi thì ông cho rằng chính Ta-ma là nhân tố đưa đẩy mình vào tội lỗi nên trở nên ghen ghét nàng. Nói cách khác là ông đổ lỗi cho nàng. “Tại nhan sắc của nàng làm cho tôi...” Do đó không có một chút yêu thương nào hiện hữu sau khi ông đã chiếm hữu nàng. Điều đó chứng minh tình yêu của Am-nôn không hơn không kém chỉ là tình dục hay sự tham dục mà thôi.
Đỉnh điểm của câu chuyện này là lòng ghen ghét của Am-nôn. Thì kết thúc câu chuyện này cũng là lòng ghen ghét của Áp-sa-lôn.
Việc yêu cầu người hầu đuổi nàng ra khỏi nhà Am-nôn, vô hình trung làm cho những người khác nghĩ hay tin rằng Am-nôn là nạn nhân của sự quyến dụ của Ta-ma.
Nếu phải chọn giữa hai sự xấu xa. Thì thông thường chúng ta phải chọn cái xấu nhỏ hơn cái còn lại. Nghĩa là chọn cái có hậu quả thấp nhất. Ví dụ: phải giết năm người hoặc một người. Thì mình nên chọn một người.
Điều này không có nghĩa là viện lý do để hợp thức hóa cho hành động xấu xa của mình là đúng. Nó chỉ có nghĩa là mình còn có chút lương tâm mà muốn tối giản hay giảm thiểu hậu quả của tội lỗi đến mức thấp nhất có thể.
Do đó để tối giản hậu quả của hành động sai trái này, chí ít Am-nôn có thể nghe theo lời khuyên của Ta-ma mà không đuổi nàng đi để làm theo luật pháp Môi-se.
28Nếu một người nam gặp một con gái trẻ đồng trinh, chưa hứa gả, bắt nàng nằm cùng, mà người ta gặp tại trận, 29thì người nam đã nằm cùng con gái trẻ đó phải nạp cho cha màng năm mươi siếc-lơ bạc, rồi nàng sẽ làm vợ người, bởi vì người có làm nhục nàng. Người còn sống ngày nào, thì chẳng được phép đuổi nàng đi. Phục Truyền 22:28–29 (VNB)
Mặc dầu đây chỉ là chọn hành động xấu xa thấp nhất. Thì về mặt luật pháp Môi-se thì nguy cơ cao là luật pháp trên sẽ không được áp dụng. Vì Am-nôn không phải nằm cùng một người nữ đồng trinh bình thường. Mà là em gái cùng cha khác mẹ. Do đó ông phạm phải một luật khác buộc phải bị truất khỏi dân sự. Dầu là vậy, chí ít ông cũng nên cố gắng vâng theo một luật pháp sau khi đã phạm tội. Nghĩa là chọn cái ác thấp nhất. Rất tiếc lời Đức Chúa Trời không có chỗ nào trong lòng ông cả.

Bạn Bè Xấu Làm Hư Thói Nết Tốt

Am-nôn có một bạn hữu tên là Giô-na-đáp, là một người rất quỉ quyệt (3). Người này cũng là anh em bà con với Am-nôn vì là con của Si-mê-a, anh của Đa-vít.
Chính Giô-na-đáp đã hiến kế cho Am-nôn để gài bẫy Ta-ma cho lòng tham dục của mình được thỏa mãn.
Việc kết giao với những người không công bình là đều nguy hiểm. Vì nếu chúng ta làm bạn với thế gian thì trở nên thù nghịch cùng Đức Chúa Trời (Gia-cơ 4:4). Am-nôn đã không chọn bạn mà kết giao. Ông đã kết giao cùng một người quỉ quyệt để rồi mưu kế của hắn chỉ làm cho ông dấn thân sâu hơn nữa vào tội lỗi. Thật sứ đồ Phao-lô nói rất đúng,
“Anh em chớ mắc lừa: Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt. 1 Cor 15:33.
Điều này giúp chúng ta rút ra bài học cho mình. Chúng ta phải cẩn thận trong việc kết giao bạn hữu. Nếu người chúng ta kết giao là xấu thì thói nết tốt của chúng ta có thể bị hủy hoại. Chúng ta cần phải trở nên khôn ngoan và cẩn trọng trong việc cho bạn hữu.

Vai Trò Của Đức Chúa Trời Trong Tội Lỗi Của Am-nôn

Việc Đức Chúa Trời công bố hình phạt dành cho sự lạm dụng quyền lực mà phạm tội ngoại tình và giết người của Đa-vít, gợi lên nhiều câu hỏi (2 Sa-mu-ên 12:8-10). Một trong số đó là liệu Đức Chúa Trời có tác động gì, hay đóng vai trò gì trong sự phạm tội của Am-nôn. Nói cách khác có phải Đức Chúa Trời đưa đẩy Am-nôn vào con đường tội lỗi này để cho ứng nghiệm lời Ngài đã phán rằng, “Gươm chẳng hề thôi hủy-hoại nhà ngươi (12:10).
Chúng ta cần ghi nhớ rằng,
“Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai. 14 Nhưng mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. 15 Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết. Gia-cơ 1:13-15.”
Do đó bất cứ ai phạm tội thì không liên quan đến Đức Chúa Trời. Nói cách khác là Đức Chúa Trời không phải là nhân tố tác động hay góp phần vào sự phạm tội của bất kỳ ai.
Nếu đặt câu hỏi theo cách khác thì ai góp phần hay là tác nhân liên quan đến tội lỗi của Am-nôn? Thì chúng ta cần nói đến vai trò của Đa-vít.

Vai Trò Của Đa-vít Trong Tội Lỗi Của Am-nôn

Thứ nhất chúng ta cần làm rõ rằng, tội lỗi của Am-nôn hoàn toàn dựa trên ý chí tự do của ông. Do đó ông hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với tội lỗi đó. Ông không thể đổi lỗi cho hoàn cảnh hay bất kỳ ai trong sự ngu dại của mình. Ngay cả nhan sắc tuyệt đẹp của Ta-ma cũng không phải là tác nhân cho sự phạm tội của ông. Việc ông nhận định và xử lý nét đẹp của Ta-ma theo hướng tích cực hay tiêu cực hoàn toàn là do tấm lòng của ông.
Vì từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, tà-dâm, dâm-dục, trộm-cướp, làm chứng dối, và lộng-ngôn. Ma-thi-ơ 15:19
Tuy vậy Đa-vít không hề vô tội trong việc của Am-nôn. Nói cách khác Đa-vít gián tiếp liên quan đến tội lỗi của Am-nôn cũng như của Áp-sa-lôn.
“Gươm sẽ không thôi hủy-hoại nhà ngươi,” theo nghĩa là hậu quả của tội lỗi của Đa-vít sẽ không dừng lại. Khi đời sống của một người trong việc làm xấu hay tốt luôn để lại tấm gương dạy dỗ cho thế hệ kế tiếp. Do đó tầm ảnh hưởng tốt hay xấu là do chúng ta chọn để tác động đến người xung quanh.
Vậy Đa-vít đã dạy con cái mình điều gì trong phạm tội lạm dụng quyền lực để ngoại tình và giết người? Ông dạy, muốn đạt điều gì đó mà mình muốn có thể gạt bỏ lời Đức Chúa Trời qua một bên. Tận dụng quyền lực của mình. Dùng mưu kế nếu cần thiết, thậm chí giết mgười.
Từ đó không lấy làm lạ gì, khi Am-nôn không hề tôn trọng lời Đức Chúa Trời, dầu cho Ta-ma có khuyên bảo, Am-nôn vẫn không màng tới hay để ngoài tai. Am-nôn đã lạm dụng quyền làm con để thao túng Đa-vít khi xin Ta-ma đến nấu ăn cho mình. Am-nôn đã lạm dụng lòng tốt của Ta-ma mà hồi đáp nàng bằng tấm lòng xấu xa tham dục của mình. Am-nôn đã dùng mưu kế để đạt được điều mình muốn thay vì theo cách công bình.
Do đó Đa-vít đã gián tiếp đẩy các con mình vào chổ nguy hiểm khi không vâng lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể rút ra bài học. Không vâng phục Đức Chúa Trời có thể đẩy người khác đến bờ vực nguy hiểm. Hậu quả của tội lỗi luôn luôn lớn hơn hành động phạm tội. Vì thế cho nên các bậc cha mẹ phải hết sức mình nghiêm túc trong việc vâng phục lời Đức Chúa Trời, nếu không thì tình yêu thương dành cho con cái của chúng ta ở đâu khi chúng ta gián tiếp đẩy con mình vào chổ nguy hiểm.
Một lần nữa, Am-nôn phạm tội hoàn toàn là lỗi của ông không liên can đến người khác.

Ta-ma

... con thứ ba là Áp-ra-lôn; mẹ người là Ma-a-ca, con gái của Thanh-mai, vua Ghê-su-rơ; 2 Samuel 3:3 (VNB)
Kinh Thánh cho biết Ta-ma là em gái của Áp-sa-lôn. Do đó mẹ của nàng là Ma-a-ca.
Từ những gì Kinh Thánh mô tả trong câu chuyện này. Chúng ta có thể thấy, Ta-ma là một người nữ rất đẹp (lịch sự). Nàng là người tài năng, khôn ngoan, và bình tĩnh. Dầu trong hoàn cảnh nguy hiểm nàng vẫn đưa ra những lý do khôn ngoan để khuyên bảo anh mình là Am-nôn.
Khi Am-nôn dụ nàng nằm cùng mình, nàng đã đưa các lý do:
Không được, anh; chớ làm nhục tôi, vì trong Y-sơ-ra-ên người ta chẳng làm như vậy. Chớ phạm sự ô-hạnh nầy!
Trinh tiết của các người nữ Y-sơ-ra-ên là danh giá và phẩm hạnh của họ. Nhất là trong luật pháp rất nghiêm trong việc phạm tội tà dâm (quan hệ trước hôn nhân) hay ngoại tình, và dâm dục. Do đó trinh tiết là danh dự và sự tôn trọng mà người nữ luôn gìn giữ, không như dân ngoại coi thường việc này.
Nàng khuyên Am-nôn chớ hạ thấp danh dự của nàng.
Trong dân Y-sơ-ra-ên không ai lại làm như vậy. Hãm hiếp và loạn luân có thể là vấn đề bình thường với dân ngoại trong thời bấy giờ. Do đó Đức Chúa Trời lấy làm gớm ghiết dân ngoại mà diệt họ đi. Vậy dân Y-sơ-ra-ên sẽ không làm mất danh giá của trinh nữ. Vì sao Am-nôn lại đi ngược số đông?
Nàng khuyên Am-nôn đừng phạm vào điều gian ác này.
Tôi sẽ mang sự sỉ-nhục tôi đi đâu? Còn anh sẽ như một người ô-danh trong Y-sơ-ra-ên.
Ta-ma cầu xin Am-nôn suy nghĩ cho mình và cho Am-nôn. Vì cả hai sẽ mang nỗi ô nhục này suốt đời. Liệu điều sung sướng của tội lỗi này có đáng giá để đánh mất danh dự cả đời chăng?
Từ ô danh dành cho Am-nôn mang nghĩa là người ngu dại gian ác. Vì Am-nôn là con trưởng nam mà là người ngu dại gian ác. Liệu dân chúng có muốn một vị vua như vậy chăng?
Thà anh nói cùng vua thì hơn; vua chẳng cấm anh lấy tôi làm vợ.
Cuối cùng việc quan hệ bậy bạ này có thể là điều không cần thiết. Nếu việc quan hệ với Ta-ma là điều Am-nôn mong muốn thì ông có thể có được bằng cách xin vua Đa-vít. Ta-ma tin rằng điều này có khả thi trong khi vẫn giữ được danh dự cho cả hai.
Về lý do thứ ba này của Ta-ma, có thể nàng muốn câu giờ để đánh cược vào lòng tốt của Am-nôn. Chứ về mặt khả thi là không thể, vì luật pháp Môi-se cấm hôn nhân loạn luân của anh chị em cùng cha khác mẹ, hay ngược lại.
Có thể Ta-ma không biết luật pháp cấm hôn nhân loạn luân.
Có thể Ta-ma áp dụng nguyên tắc chọn cái ác thấp nhất. Nghĩa là hôn nhân loạn luân cũng còn đỡ ác (tốt hơn) hơn cưỡng hiếp.
Dầu vậy chúng ta vẫn thấy sự khôn ngoan của Ta-ma.
Rất tiết thú tính của Am-nôn chiếm hữu nhân tính của ông đến mức lời khuyên không hề có tác dụng. Lòng Am-nôn đã cứng cõi.
Khi Am-nôn đã xong việc và đuổi nàng đi, Ta-ma lại một lần nữa đủ tình táo để khuyên bảo Am-nôn không nên làm nghiêm trọng vấn đề hơn nữa.
Chớ đuổi tôi đi mà làm cho tôi một sự quấy lớn hơn sự quấy anh đã làm rồi! (16).
Một lần nữa nàng khuyên Am-nôn nên giải quyết hậu quả theo hướng tích cực thay vì tiếp tục phạm tội.
Khi bị đuổi đi Ta-ma đã đau đớn mà than khóc cho danh dự của mình. Đa-vít đã bảo vệ trinh tiết của các con gái mình khi ban cho các công Chúa áo trong dài. Nay nàng xé áo bày tỏ sự mất danh dự của mình. Bưng tay trên đầu có thể thay thế cho mạn che đầu mà Am-nôn đã làm mất danh giá của nàng. Và cuối cùng khóc than cho sự bất hạnh của mình.

Áp-sa-lôn

Theo xã hội đa thê thời bấy giờ thì huynh trưởng sẽ coi sóc em mình thay vì trông đợi vào cha mẹ. Đó là lý do Kinh Thánh mô tả sự bảo bọc che chở của Áp-sa-lôn dành cho Ta-ma. Chính điều này làm khó cho Am-nôn.
Việc nhu nhược của vua Đa-vít đã làm gia tăng căng thẳng cũng như làm cho những người liên quan tìm kiếm sự báo thù theo cách không công bình.
Vì Kinh Thánh dùng từ, “Vua Ða-vít hay được các điều đó, bèn giận lắm.” Cho thấy vị trí và vai trò làm vua Đa-vít phải xử lý theo phép công thay vì tư với tư cách là cha. Dầu vậy, Đa-vít chỉ dừng lại tại cảm xúc của mình mà không hề có hành động thích hợp. Có thể Đa-vít mặc cảm với tội lỗi trong quá khứ của mình khi nhìn thấy con mình cũng phạm tội tương tự như vậy. Nên không được ra sự sửa phạt tương ứng. Chúng ta nên dẫu cho quá khứ chúng ta có ra sao thì cũng không thể làm cớ cho chúng ta không làm điều công bình hay dạy sự công bình. Thất bại trong quá khứ không có nghĩa là thất bại của hiện tại.
Đối với việc của Am-nôn, Đa-vít buộc phải vâng theo luật pháp Môi-se là truất Am-nôn ra khỏi dân sự. Rất tiết vua Đa-vít cũng giống như thầy tế lễ thượng phẫm Hê-li đã không thi hành quyền lực mà Chúa trao cho để duy trì sự công bình và chính trực của luật pháp. Để trả lại sự công bình và danh dự cho Ta-ma.
Điều này dẫn đến cơn nóng giận của Áp-sa-lôn bừng cháy không nguôi khi không thấy vua có bất kỳ hành động công bình nào. “Áp-sa-lôm chẳng còn nói cùng Am-nôn một lời nào, hoặc lành hay dữ, vì người ghét Am-nôn, bởi Am-nôn đã gian hiếp Ta-ma, em gái mình.”
Áp-sa-lôn đã lên kế hoạch trả thù trong hai năm. Một lần nữa Đa-vít lại bị các con mình thao túng trong mưu kế của chúng. Áp-sa-lôn giết Am-nôn để trả thù cho Ta-ma.
Một số người nói động cơ giết Am-nôn của Áp-sa-lôn có thể bao gồm cả động cơ chính trị thay vì chỉ vì trả thù. Vì loại đi con trưởng nam thì con đường vương quyền sẽ rộng mở. Có khả năng là như vậy. Nhưng tôi cho rằng Kinh Thánh mô tả động cơ trả thù hơn là chính trị. Khi Kinh Thánh phán rất rõ về việc Áp-sa-lôn là do lòng ghen ghét Am-nôn.
Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
Việc để cho sự nóng giận không nguôi phát triển thành sự ghen ghét đã dẫn Áp-sa-lôn vào con đường phạm tội giết người.
Hệ thống luật pháp Môi-se có thầy tế lễ thượng phẫm giữ sự thi hành luật. Áp-sa-lôn có thể cáo cùng. Bằng chẳng, ông có thể đặt đức tin vào Đức Chúa Trời cho sự báo thù của Ngài.
Vì tội cưỡng bức không giống với giết người. Nên Áp-sa-lôn không có quyền báo thù huyết.
Khi đã giết Am-nôn, Áp-sa-lôn chạy về bên dòng họ bên mẹ mình để lẫn trốn Đa-vít.
Một lần nữa thảm kịch của gia đình của Đa-vít có lẽ không đi đến mức này, nếu Đa-vít chịu vâng lời Đức Chúa Trời mà truất Am-nôn khỏi dân sự. Chí ít Am-nôn còn sống trong sự truất phế đó còn hơn nay một đứa con thì chết, một đứa thì phạm tội giết người.
Các bậc Cha Mẹ cần phải nghiêm túc đánh giá đời sống của mình. Đừng để hành động không vâng lời Đức Chúa Trời của mình đẩy con cái mình vào con đường tội lỗi.

Chúng Ta Học Được Gì Từ Các Nhân Vật Này

Tội lỗi làm bại hoại các mối quan hệ. Đa-vít, Am-nôn, Ta-ma, và Áp-sa-lôn đều rơi vào thảm kịch của tội lỗi.
Hãy cân nhắc hậu quả của tội lỗi vì nó luôn lớn hơn hành động phạm tội. Một chút vui sướng trong tội lỗi của Am-nôn đã phải trả bằng mạng sống của mình.
Sự ngu dại đồng hành cùng sự không vâng lời.
Tội tà dâm luôn coi con người là thứ gì đó, vật dụng, hay đối tượng để thỏa mãn dâm dục của mình. Nó hạ thấp giá trị ảnh tưởng của Đức Chúa Trời trong mỗi con người.
Khốn cho thế gian vì sự gây nên sự phạm tội. Vì nó phải có. Nhưng khốn nạn hơn cho ai là kẻ gây nên sự phạm tội.
Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.
Cha mẹ nhu nhược trong việc thi hành sự sửa phạt con cái trong sự vâng lời Đức Chúa Trời sẽ đẩy con cái mình vào con đường phạm tội.
Sự nóng giận và ghen ghét dẫn đến tội giết người nó không bao giờ làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
Đừng bao giờ tìm sự báo thù theo cách của riêng mình. Hãy tìm sự báo thù của Đức Chúa Trời.
Trong bài học hôm nay xoay quanh việc con người đối mặt với cám dỗ như thế nào. Vậy câu hỏi dành cho bản thân chúng ta: liệu bạn có thể hay sẽ chống trả sự cám dỗ hay không? Tùy theo cách chúng ta trả lời mà hậu quả hay kết quả sẽ đến trên đời sống của chúng ta.
Related Media
See more
Related Sermons
See more